top of page

Hành trình từ một nhân viên văn phòng đến một nghệ sĩ Drag Queen đầy trắc trở nhưng cũng đầy nhiệt huyết của chàng trai trẻ thuộc cộng đồng LGBT - Lê Hải Phong: Từng come out hai lần, từng không được bố ủng hộ và từng muốn gác lại đam mê. 

Drag Queen là một thuật ngữ dành cho những người ăn mặc hoán giới thành nữ, đi kèm với lối trang điểm đậm để trình diễn trên sân khấu, sau này được phát triển và trở thành một bộ môn nghệ thuật riêng. Hiện nay, Drag được xem là một nét văn hóa độc đáo, một nghệ thuật biểu diễn dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người thuộc cộng đồng LGBT. Ngoài ra, Drag King và Drag Queen là hai hình tượng đối lập nhau. 

Lần đầu biết đến và dần trở thành đam mê…

PV: Nghệ thuật Drag hiện nay vẫn còn là một khái niệm khá mới tại Việt Nam, anh có thể chia sẻ thêm về nghệ thuật này?

Thuật ngữ Drag xuất hiện từ trước đây ở phương Tây, bắt nguồn từ việc không có diễn viên nữ, những diễn viên nam phải hóa trang thành vai nữ để diễn thay. 

 

Cho đến ngày nay, nghệ thuật Drag trở thành một nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp dành cho các nghệ sĩ Drag và đòi hỏi các nghệ sĩ phải có màn hóa trang “extra” (làm quá) hơn bình thường nhiều lần để tạo hứng thú cho người xem và mang ngoại hình đó lên sân khấu để biểu diễn. Người diễn không chỉ có diễn kịch, mà còn có thể hát live, hát nhép, diễn xuất, hài kịch, nhảy múa, thời trang,...

PV: Cơ duyên nào đưa anh đến với Drag Queen trong khi anh đang là một nhân viên văn phòng? 

 

Mình bắt đầu xem và biết đến Drag từ năm 2016, khi mình biết đến một clip makeup của một Drag Queen bên nước ngoài. Lúc đó, mình bắt đầu cảm thấy hơi lạ lẫm với môn nghệ thuật này, bởi mình chưa thấy nhiều hình ảnh mà đàn ông trang điểm hoặc là mặc những bộ đồ lộng lẫy, đội tóc giả. Rồi mình tìm hiểu và biết được rằng đây là bộ môn nghệ thuật, một văn hóa và cũng là một nghề nghiệp chuyên nghiệp ở Mỹ. Và từ đấy mình cũng trở thành fan của chương trình truyền hình thực tế Dragways.

Lần đầu tiên xem Drag thì mình đã khóc vì những gì trên sân khấu rất giống với những điều mình đã trải qua. Sau đấy, mình bắt đầu tập makeup và nhận show diễn đầu tiên từ năm 2019.

Những khó khăn trên con đường trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp

PV: Được biết, một Drag Queen thuộc cộng đồng LGBT thường phải come out (công khai) 2 lần, anh có thể chia sẻ về hành trình đó? 

Đúng vậy, mình cũng từng come out 2 lần. Lần thứ nhất come out là gay (người đồng tính nam) và sau đó come out là Dragqueen với bố mẹ. 

Nhưng may mắn là mọi người trong gia đình đều ủng hộ mình từ ngày đầu, trừ bố thôi, bố mình phải mất một thời gian để làm quen với những điều đó. Rồi dần dần, khi thấy mình nghiêm túc với nghề và làm nghề một cách chỉn chu thì bố cũng hiểu và chấp nhận. Đến giờ, dù không thể hiện ra nhiều nhưng mình biết bố cũng tự hào vì những gì mình làm được. 

PV: Đó là những khó khăn ban đầu. Vậy còn khi bước vào con đường chuyên nghiệp, anh đã nỗ lực như thế nào để trở thành một nghệ sĩ Drag Queen thực thụ? 

Drag thực chất rất khó bởi đây là tổng hòa của nhiều bộ môn khác nhau như hội họa, hát, nhảy, múa, diễn xuất,... và cần sự sáng tạo lớn. Đối với các nghệ sĩ Drag Queen thì những khó khăn chính sẽ là cách để chinh phục và tìm được sự đón nhận của khán giả. Ngoài ra khó khăn đối với Drag Queen tại Việt Nam còn là khó tìm được đất diễn vì đây là môn nghệ thuật mới nên chưa nhiều người sẵn sàng đón nhận.

 

Với mình, lần đầu tiên mình đi diễn là năm 2019, lúc đó mình bắt đầu tập make up và thử nghiệm các ngoại hình khác nhau. 

PV: Trên hành trình đầy chông gai đã đi qua, đã bao giờ anh nghĩ đến việc bỏ cuộc?

Cũng có một thời gian mình từng muốn gác lại chứ chưa hẳn là từ bỏ. Bởi vì thời gian đấy mình cảm giác như Drag bị chững lại ở Hà Nội, không có sự phát triển vượt bậc và chưa có nhiều Drag Queen nổi trội để cùng nhau phát triển. 

Vậy nên mình muốn tạm gác lại đam mê này để tập trung cho nghề nghiệp chính của mình là công việc văn phòng. Nhưng sau một thời gian, khi mà nhiều bạn hơn tham gia vào Drag tại Hà Nội, các bạn ấy vô tình tạo động lực ngược lại cho mình để mình quay trở lại và đi diễn đều hơn trước. Không chỉ thế, mình quay lại cũng một phần là bởi mình mong muốn là truyền được thật nhiều kinh nghiệm mà mình có cho các bạn mới. 

Động lực cho chính bản thân và cho các bạn trẻ

PV: Gặp nhiều khó khăn là thế vậy động lực nào thúc đẩy anh tiếp tục theo đuổi nghệ thuật này?  

 

Đối với mình, làm Drag Queen thỏa mãn được đam mê nghệ thuật của mình, thỏa mãn được mong muốn được giải trí, được mang đến tiếng cười cho mọi người. Vậy nên động lực của mình là những khán giả mà mình mới quen, là những mối quan hệ tốt với những người xung quanh, là tạo được dấu ấn và tạo được một sân chơi lành mạnh cho những người thuộc cộng đồng LGBT. 

 

Hơn hết, mình còn có một động lực lớn là có một nơi được gọi là gia đình nhỏ thứ hai, mơi mà mọi người quen nhau và giúp đỡ nhau qua từng lớp makeup, từng trang phục, từng lần biểu diễn để nhờ đó thì mọi người cùng nhau trở nên tốt hơn mỗi ngày. 

PV: Anh hãy gửi gắm một vài điều đến các bạn trẻ đang và cũng sẽ trên con đường tìm kiếm bản thân mình? 

Mình có một kinh nghiệm cá nhân thế này, là trước hết phải xác định mình có thể theo được đam mê của mình không, mình có thật sự giỏi ở lĩnh vực đấy không. Đã xác định là có thể theo được, thì mình cứ làm và đầu tư cho mình kinh nghiệm và vốn liếng để tiếp tục. Nhưng nếu đam mê ấy chưa thể tạo ra cho mình thu nhập thì ít nhất nó cũng không để mình bị lỗ, ít nhất mình cũng phải cân bằng được tài chính của mình. 

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

bottom of page